Đánh giá Jane_Austen

Bài viết hay đoạn này có thể chứa nghiên cứu chưa được công bố. Xin hãy cải thiện bài viết bằng cách thêm vào các chú thích tham khảo. Những khẳng định chứa các nghiên cứu chưa công bố cần được loại bỏ.

Để thấu hiểu ý nghĩa văn học của Jane Austen, nên nhìn qua bối cảnh chung. Vào thời của tác giả, phụ nữ không có mấy cơ may thăng tiến trong xã hội Anh: những nghề chuyên môn, các đại học, giới chính trị, quân ngũ... đều khép kín đối với phụ nữ. Nhiều cô ít được đến trường, mà chủ yếu được cha mẹ hoặc gia sư dạy học ở nhà (tác giả cũng thế). Một số ít ngành nghề phụ nữ có thể tham gia (như nhận chân dạy học cho trẻ em và sống cùng gia chủ) thì không được coi trọng. Phụ nữ con nhà "gia giáo" chỉ có thể mong được vị thế xã hội tốt qua việc hưởng thừa kế hoặc qua hôn nhân. Nhưng việc thừa kế toàn bộ bất động sản lại dành cho nam giới theo thứ tự liên hệ gia tộc; phụ nữ thường chỉ nhận thừa kế những đồ dùng trong nhà, cùng lắm là một khoản tiền nho nhỏ.

Chỉ còn con đường duy nhất để đảm bảo tương lai cho người con gái: lấy chồng giàu! Do vậy mà phát sinh mối ưu tư lớn lao của những bà mẹ có con gái, đến nỗi các bà mẹ trong truyện của Jane Austen không giáo huấn cho con gái nhiều về tình yêu và hôn nhân, với chủ kiến con gái chỉ cần đẹp để lấy chồng giàu! Mặt khác, các chàng trai con nhà giàu cũng chịu áp lực gia đình là nên lấy vợ có gia thế tương xứng. Những bối cảnh này đã tạo nên tiền đề cho tác giả châm biếm và cảm thông.

Con gái chưa chồng còn phải chịu nhiều hạn chế do phong tục thời ấy: muốn cưỡi ngựa phải có gia nhân cưỡi ngựa đi theo (lại thêm chi phí!), khi đi xa nếu không có bậc trưởng thượng thì phải có người bảo mẫu có tư cách tốt để kèm cặp, không được viết thư cho chàng trai nào khi chưa hẹn ước... Và đã là con gái nhà gia giáo thì chỉ học văn chương, nghệ thuật, nữ công... trong khi chờ hôn nhân!

Cuộc sống trong giới trung lưu (thường là địa chủ) còn phiền toái ở chỗ, vì không phải làm lụng nhiều, các gia đình trung lưu thường tổ chức họp mặt, dạ vũ, dã ngoại... rồi chuyện phiếm với nhau, từ đấy hay bàn tán cợt đùa về chuyện riêng tư lẫn nhau. Hậu quả là các cô gái chưa chồng phải chịu thêm sức ép của dư luận vốn rất bảo thủ trong xã hội chủ yếu còn sống về nông nghiệp. Có lẽ vì thế mà Jane Austen lúc còn sống không muốn đề tên mình trên các tác phẩm, vì với cách châm biếm thói đời, cô khó có thể được yên ổn với xã hội chung quanh nếu tung tích bị tiết lộ!

Cũng là con nhà trung lưu gia giáo, Jane Austen hẳn phải thấm thía với thân phận của phụ nữ như thế, nên đã dựng nên những mẫu người mà các nhà phê bình văn học gọi là "nữ anh hùng" (heroine). Đấy là những cô gái trẻ thuộc gia đình có vật chất kém, nhưng lại cứng cỏi hoặc ương ngạnh, không màng đến các anh trai trẻ giàu sang hoặc bất chấp những lễ nghi và thành kiến. Họ muốn biểu hiệu là chính mình: tự chủ - ngay cả kiêu hãnh - chứ không phải lo tìm kiếm hôn nhân giàu sang cho bằng được, dù bà mẹ có gây sức ép hoặc có phiền hà! Có người trở nên phóng khoáng, sống cho tình cảm của mình chứ không muốn gượng ép theo "đất lề quê thói". Trong tình yêu, các cô được hướng dẫn bảo ban rất ít, mà phải tự khám phá, rồi tự hành xử mà giải quyết vấn đề của riêng mình.

Điều tốt đẹp sau cùng của những "nữ anh hùng" này là họ cũng vấp ngã, nhưng cũng biết nhìn nhận lầm lỗi của mình và tha thứ cho lầm lỗi của người khác.

Tuy được một số nhà phê bình văn học đương thời tán thưởng, tác giả chỉ được công chúng chú ý chút ít khi còn sống. Khoảng ba thập kỷ sau khi tác giả qua đời, công luận thế giới bắt đầu có những nhận xét nghiêm túc và nồng nhiệt hơn, và từ bấy giờ đến nay Jane Austen đều được đánh giá như là một trong những tác giả tiểu thuyết đặc sắc nhất của nền văn học Anh. Nhiều câu lạc bộ của những người yêu thích Jane Austen đã được thành lập ở Argentina, Úc, Nhật, Mỹ... và dĩ nhiên là ở Anh.

Jane Austen được xem là nhà văn đã mang đến cho nền tiểu thuyết tính cách hiện đại độc đáo qua văn phong hài hước để phê phán thói hư tật xấu trong đời thường. Các nhà phê bình văn học ca ngợi tiểu thuyết của tác giả về giá trị đạo đức lẫn tính chất giải trí; họ cũng yêu mến việc tả chân cá tính con người và đánh giá cao tính hiện thực giản đơn. Những phong cách này đem đến cho người đọc một thay đổi sảng khoái so với cách viết cường điệu lãng mạn đang thịnh hành thời bấy giờ. Trong khi nền tiểu thuyết của Anh phát sinh vào đầu thế kỷ 18, các tác phẩm của Jane Austen tạo ra không khí mới mẻ qua việc tả chân những con người trung bình trong những bối cảnh thông thường.

Đặc biệt, Jane Austen đã dựng lên bộ khung khôi hài của giới trung lưu Anh quốc vào thời đại của mình, mở đầu xu hướng cho nền "tiểu thuyết gia đình" khi xói vào cung cách, nhân phẩm, và sự căng thẳng giữa các nhân vật nữ và xã hội mà họ đang sống. Jane Austen đã thoát khỏi mô-típ văn học thời đại cô sống, vốn vẫn đưa ra nhân vật nữ luôn có đức độ, truyện tình luôn thơ mộng, và những sự kiện ngẫu nhiên gây đột biến cho câu chuyện. Đặc điểm này đã khiến tiểu thuyết của tác giả có mối tương quan gần gũi với thế giới đương đại hơn là những truyền thống của thế kỷ 18.

Tóm lại, qua các tác phẩm của Jane Austen, người đọc có thể nhận ra những mẫu người "trần thế", không tuyệt vời mà cũng không tồi tệ, nhưng phức tạp, trong bối cảnh tình yêu và lãng mạn bị chi phối bởi kinh tế và bản chất thật của con người, qua đấy họ thể hiện "tài" và "tật" mà gia đình và xã hội đã góp phần đúc khuôn họ.